Tâm điểm
Văn Công Hùng

Hành trang sổ hộ nghèo

Tuần qua phát biểu của một bạn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc trước hạn của trường Đại học sư phạm kỹ thuật TPHCM được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ xúc động vì nghị lực và sự hiếu lễ của bạn.

Vượt qua hoàn cảnh khó khăn, bạn sinh viên này đã nêu một tấm gương sáng thông qua kết quả học tập, mà tôi nghĩ rằng hẳn là mẹ của bạn rất tự hào.

Thực ra bây giờ, quan niệm nhà nghèo học giỏi nhiều khi được coi là... đương nhiên, bởi đấy là cách thoát nghèo bền vững nhất. Là cách mà cha ông ta hàng trăm năm nay đã dạy con cháu. Và cũng vì thế mà sinh ra những vùng đất học, sinh ra khái niệm “học gạo” một thời. Đang có nhiều cách giải thích về cái sự “học gạo”, ở đây tôi không bàn về định nghĩa mà chỉ xin nêu một cách giải thích hóm hỉnh, ấy là học vì cái chữ và học vì gạo, tức là học để có tri thức và học để kiếm gạo, để có gạo ăn. Có những vùng đất nghèo, rất nghèo, cách duy nhất thoát nghèo là học để thoát ly, học để đi làm, ly nông.

Nhưng bây giờ, khi mà cái sự nghèo phải cố học giỏi là đương nhiên, người ta lại nói tới chuyện nhà... giàu học giỏi. Tức là khái niệm học gạo không còn như xưa mà đã mở rộng hơn để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

Hành trang sổ hộ nghèo - 1

Nguyễn Nhật Tường - sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, trước thời hạn của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - và mẹ (NVCC).

Học, bây giờ là sự đương nhiên, sự phải thế không kể hoàn cảnh bản thân, gia đình. Học tập suốt đời để mở mang, thu nạp tri thức, giá trị sống và hòa nhập thế giới.

Trở lại câu chuyện của bạn sinh viên ở trên, bằng phát biểu lay động lòng người của mình, đã chứng minh rằng, nghèo có khi lại là... cơ hội. Miễn là mình nắm bắt cơ hội và vượt qua mặc cảm: “Hành trang của con chỉ có 2 thứ, đó là niềm tin của mẹ và cuốn sổ hộ nghèo”.

Một sự thẳng thắn và đầy tình cảm, một thái độ biết ơn, trân trọng và một nghị lực vượt khó để vươn tới thành công dù mới chỉ là bước đầu.

Sở dĩ chia sẻ của bạn sinh viên lay động nhiều người là bởi, giới trẻ bây giờ rất giỏi, “rất gì và này nọ” nhưng cũng đầy kiểu sống ảo, đầy kiểu giả vờ sang chảnh, giấu đi xuất thân của mình. Cũng chả trách họ, bởi thời đại nó thế, nhưng nhìn vào bạn sinh viên này, vẫn có những điều để suy ngẫm.

Cũng có thể bạn đó từng có những phút sống ảo, ai mà chả thế. Các bà các cô vẫn thích chụp ảnh hoa sen, hoa gạo, vẫn thích “mớ bảy mớ ba” lên mạng xã hội đấy thôi. Nhưng ở đây sự chừng mực, sự biết ơn và sự chân thành của bạn ấy khiến ta như nhận được làn gió mát lành giữa mùa hè nóng nực.

Đời sống là sự hòa trộn nhiều cung bậc, chúng ta biết nhận thức, biết phân biệt và cả phân định, để cuộc sống ý nghĩa, cuộc đời thăng hoa, có ích.

Và sự biết ơn. Biết ơn cuộc sống, biết ơn cả những khó khăn, những trở ngại trên con đường phải đi. Chính những khó khăn, trở ngại khiến con người bộc lộ khả năng và cách xử lý, bộc lộ tố chất của mình. Và tự hào với những gì mình trải qua, tự hào với người mẹ tần tảo của mình.

Lại nhớ, năm nào đó, một bạn tân thạc sĩ luật đã lạy mẹ mình. Anh khoác lễ phục nhận bằng cho mẹ, và lạy mẹ.

Hồi ấy câu chuyện cũng lay động bao nhiêu người. “Nhà nghèo tới mức chỉ biết chạy lo cái ăn hàng ngày. Không có tiền đóng tiền điện, bị cắt điện, nhưng mẹ anh chưa một lần từ chối khi con xin tiền học, mua sách vở... Nhiều lúc không còn đồng nào, mẹ anh phải đi mượn tiền quanh chợ rồi bán bún, làm thuê trả dần. Và cũng biết bao lần mẹ anh phải bán đàn heo con để đóng tiền học cho con.

Suốt 40 năm bám chợ với gánh bún, mẹ anh chỉ nghỉ mùng 1 Tết Nguyên đán. Các ngày còn lại trong năm, dù đau ốm, mẹ anh cũng gắng sức mang bún ra chợ bán”.

Chúng ta nhận ra sự biết ơn, điều tưởng chừng như giản dị với con người, nhưng lại luôn khiến chúng ta xúc động. Dẫu người con nào, dù lớn tới đâu, danh vọng kiểu gì, cũng muôn đời biết ơn mẹ, luôn bé nhỏ trước mẹ. Nhưng cách thể hiện có thể khác nhau. Cách biết ơn của hai bạn trẻ tôi kể không làm màu, không “diễn”, mà trung thực với cảm xúc, họ tự hào về những người mẹ của họ, về những ngày đã qua của họ, về cuộc đời vất vả, gian khó của họ.

Và sự tự hào ấy, trung thực ấy, sẽ là hành trang để họ trở thành những người tốt, những công dân có ích. Trước hết là có ích cho mình, cho gia đình mình, và rồi cho xã hội. Xã hội chẳng là tập hợp của những con người, những công dân ư, và càng nhiều người tốt, người tử tế, người biết ơn, người sống đẹp... thì rõ ràng xã hội cũng đầy sự tử tế, nhân văn và tiến bộ.

Giờ đây hành trang của bạn sinh viên không chỉ có niềm tin của mẹ và cuốn sổ hộ nghèo nữa, mà là tất cả những gì bạn ấy đã có, đã nhận từ cuộc đời nhân hậu này, bởi bạn ấy nhân hậu....

Nhân mùa thi, xin có vài lời chia sẻ và mong rằng xã hội chúng ta sẽ ngày càng có nhiều những cử nhân, bác sĩ, kỹ sư… giỏi, là công dân tốt và là người con hiếu lễ với cha mẹ.

Tác giả: Nhà thơ, nhà báo Văn Công Hùng hiện cư trú ở Gia Lai. Ông từng là Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!